–Tên thường gọi: Đậu đỏ (Miền Nam), Đỗ đỏ (Miền Bắc).
–Tên gọi khác: [Vị thuốc] xích tiểu đậu, mao sài xích.
–Tên tiếng Anh: Phaseolus angularis Wight
ĐẬU ĐỎ: Tên khác Red Bean có nguồn gốc ở Nhật Bản, được trồng rộng rãi ở các nước Đông Nam Á. Ở nước ta, cây cũng có trồng để lấy hạt ở Tây Nguyên và Miền Tây. Đậu đỏ là một loại cây thảo sống hằng năm có chiều cao khoảng từ 25 – 90cm, nhánh có cạnh và lông dài. Lá kép gồm 3 lá chét với phần cuống dài khoảng 10 – 12cm, có lông.
Hoa mọc thành từng chùm ở nách lá, mỗi chùm có khoảng 6 – 12 hoa, đài 5 răng ngắn, tràng màu vàng tươi. Phần quả có hình trụ dài khoảng 6 – 12,5cm, đường kính 0,5 – 0,7cm, chót nhọn. Mỗi quả có từ 6 – 14 hạt, hình trụ, màu nâu đỏ với phần rốn nổi rõ.
Trong đậu đỏ nhỏ có chứa protit; chất béo, gluxit, canxi, photpho, sắt, vitamin B và một số chất khác.
Công dụng của đậu đỏ. Ở Việt Nam hạt đậu đỏ được xem là loại thực phẩm bổ dưỡng. Món ăn có đậu đỏ vừa có giá trị bổ dưỡng vừa là bài thuốc thanh lọc và làm mát cơ thể. Hạt đậu đỏ được sử dụng trong các món ăn như: Cháo đậu đỏ, xôi đậu đen, chè đậu đỏ, thịt hầm đậu đỏ. Bên cạnh đó đậu đỏ còn dùng làm thuốc chữa bệnh
Theo đông y: Đậu đỏ được dùng để trị nhiều bệnh thường gặp, như bệnh đường ruột: đau dạ dày, tả, lỵ, đầy trướng bụng; bệnh đường tiết niệu: tiểu ngắn, đỏ, tiểu buốt, dắt; bệnh gan, mật; hoặc mụn nhọt…
– Trị bệnh tiểu đường: đậu đỏ, đậu xanh, ý dĩ, mỗi vị 40g, nấu cháo ăn, tuần 2 – 3 lần. Đậu đỏ (có thể ủ lên mầm), nấu với dạ dày lợn, tuần 2 – 3 lần ăn.
– Trị chứng chảy máu hậu môn trước khi đại tiện: đậu đỏ ủ cho nhú mầm, lấy ra phơi khô, đương quy, đồng lượng. Đương quy nên lấy phần phía đầu rễ (quy đầu). Vì quy đầu có tác dụng cầm máu. Đem đương quy thái phiến mỏng, sấy khô ở nhiệt độ ≤ 600 C. Cả hai đều tán thành bột mịn, trộn đều, ngày dùng 1 – 2 lần, mỗi lần 6g.
– Trị trĩ chảy máu và đại tiện ra máu: đậu đỏ 20g, hòe hoa thán 12g, đương quy 8g. Sắc lấy nước, trước khi uống, nhân lúc còn nóng có thể cho vào 4g cao da trâu, quấy đều cho tan để uống.
– Trị mụn nhọt sưng đau: đậu đỏ 20g, hoàng bá nam (vỏ núc nác), ngưu tất, kim ngân hoa, bồ công anh, đơn lá đỏ, mỗi vị 12g, sắc uống, ngày một thang.
Theo tây y: Đậu đỏ là một nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm: Dược liệu có tác dụng tiêu viêm, kháng khuẩn, hạ cholesterol, lợi tiểu và chống ung thư
– Chống oxy hóa: Hàm lượng các chất chống oxy hóa trong loại đậu này rất cao. Giúp bảo vệ cơ thể trước nguy cơ nhiễm khuẩn, đồng thời ngăn ngừa sự lão hóa làn da.
– Ổn định huyết áp: Hàm lượng Kali cao trong đậu đỏ mang đến tác dụng giúp cơ thể kiểm soát và điều chỉnh mức huyết áp. Đồng thời còn hỗ trợ ngăn ngừa dị tật bẩm sinh ở thai nhi cho phụ nữ trong thai kỳ.
– Tốt cho hệ tiêu hóa: Nhờ hàm lượng chất xơ cao mà loại đậu này có thể đảm nhiệm vai trò giúp cải thiện chức năng của dạ dày và đường ruột.
– Hỗ trợ giảm cân: Khi dùng đậu đỏ, hàm lượng chất xơ nhiều trong nó sẽ giúp tạo cảm giác no. Từ đó giảm việc cung cấp năng lượng.
– Ngăn ngừa bệnh tim mạch: Hàm lượng chất xơ dồi dào trong đậu đỏ được xem là có thể tác động lên quá trình chuyển hóa lipid. Từ đó giúp làm giảm đáng kể nguy cơ xơ vữa động mạch.